Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đồng Hỷ: Người dân khó khăn sau dịch tả lợn Châu Phi

2020-08-11 19:49:00.0

Dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay giá lợn tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. Nhiều người dân muốn tái đàn, khôi phục lại sản xuất nhưng lại rất khó khăn về vốn và giống.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xóm Sơn Quang, xã Hóa Thượng là một trong những hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề do bị dịch tả lợn Châu Phi. Trong thời gian 6 - 7 năm chăn nuôi, ông đã đầu tư xây dựng trang trại rộng gần 400m², nuôi gần 200 con lợn, trong đó có cả lợn nái và lợn bột. Để phòng chống dịch bệnh, ông cùng 2 gia đình chăn nuôi trong xóm đã chủ động mua vôi bột khoảng 60 triệu đồng rắc xung quanh chuồng trại cũng như xóm làng nhưng khi dịch bệnh xảy ra, số lợn của trang trại gia đình ông đã bị dịch tả lợn Châu Phi. Đến nay, chuồng trại chăn nuôi bỏ không, ông Hùng muốn tái đàn lợn thì rất khó khăn: “Thật sự mà nói tiền không có, 3,2 triệu đồng một con lợn giống. Vừa rồi tôi cũng nuôi 4 con, chỉ  được 2 con, giờ muốn nuôi 10 con lợn nái phải có 200 triệu đồng”.

Cũng là hộ chăn nuôi lợn, ông Trần Văn Chinh, một người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn tại xóm Cà Phê, xã Minh Lập. Ông thường xuyên nuôi hơn 10 con lợn nái, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 50 con lợn bột. Đến thời điểm này, gia đình ông là một trong những hộ may mắn không bị ảnh hưởng của dịch bệnh, lợn nái sinh sản lợn con được nuôi thành lợn bột và xuất bán. Ông cũng muốn nuôi nhiều lợn hơn, bởi giá thành lợn lúc này đang cao nhưng con giống quá đắt, trong quá trình nuôi không cẩn thận con giống sẽ bị chết. Vì vậy ông cũng rất băn khoăn: “Nói chung trong thời gian chăn nuôi do dịch bệnh còn nhiều tôi vẫn luôn luôn làm sao để quán xuyến dịch bệnh. Thứ hai là thời tiết khó khăn, nóng quá sinh bệnh. Tái đàn tôi chỉ có lợn nhà đẻ ra thôi được đến đâu nuôi đến đấy. Thỉnh thoảng tôi có đàn để bán”.

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện vào đầu tháng 5-2019 và nhanh chóng lan rộng ra 13/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện huyện Đồng Hỷ với hơn 2.000 hộ. Số lợn phải tiêu hủy là 17.130 con, tổng trọng lượng trên 906,599 tấn, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Sau gần một năm quyết liệt phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, không phát sinh ổ dịch mới nên huyện cũng đã khẩn trương thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn công tác tái đàn khôi phục, phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện, theo đó công tác tái đàn của các hộ chăn nuôi là tất yếu nhưng phải đảm bảo yếu tố an toàn (an toàn về môi trường, chuồng trại chăn nuôi; an toàn về nguồn con giống). Tuy vậy việc tái đàn lợn gặp nhiều khó khăn do giá con giống quá cao (3,2 triệu/con) và nguồn giống khan hiếm, người chăn nuôi bị thiệt hại lớn, khó khan nguồn vốn để tái đầu tư, bên cạnh đó là do ngại dịch bệnh và có khả năng tái phát trở lại. Đến nay việc tái đàn và phát triển đàn lợn chủ yếu ở trang trại chăn nuôi công nghiệp, hiện tổng số đàn lợn có khoảng 43.350 con/51.000 con Kế hoạch, so với trước khi có dịch đạt khoảng 85%.  Hướng phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới sẽ giảm hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi nông hộ vì chăn nuôi nông hộ khó kiểm soát dịch bệnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch,, chuyển đổi sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung; phấn đấu năm 2025 số trang trại chăn nuôi tập trung đạt 50% tổng đàn, chăn nuôi lợn gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh chiếm 70% tổng đàn”.

Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn lợn khi dịch bệnh đã qua thì rất cần các cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá thành hợp lý đồng thời tạo điều kiện để người dân vay vốn đầu tư chăn nuôi. Có như vậy, trong thời gian tới tổng đàn lợn trên địa bàn huyện mới phát triển ổn định như trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và ổn định nguồn cung thịt lợn trên thị trường.

CTV (Thanh Thủy – Sinh viên K16 trường Đại học Khoa học Thái Nguyên)

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557301