Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Người giữ tiếng khèn Mông

2020-09-16 19:58:00.0

Năm 2017, Nghệ thuật khèn của người Mông huyện Đồng Hỷ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đây là cơ sở, nền tảng để khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai gần. Để gìn giữ và tôn vinh văn hóa dân tộc mình, ông Sùng Văn Sinh, xóm Lân Quan, xã Tân Long đã và đang thực hành thường xuyên cũng như truyền dạy lại cho các thế hệ tại địa phương. 

Năm 2017, Nghệ thuật khèn của người Mông huyện Đồng Hỷ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Sinh ra và lớn lên tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, năm 1979, ông sùng Văn Sinh cùng cha mẹ về sinh sống tại xóm Mỏ Ba xã Tân Long. Ngay từ nhỏ, ông đã được chứng kiến và nghe bố và các chú, các bác và các anh, chị lớn tuổi trong làng làm khèn, thổi khèn và múa những làn điệu gắn với thổi khèn của dân tộc Mông. Tiếng khèn và điệu múa đã làm ông say mê và mong muốn được học và thực hành các kỹ năng làm khèn, thổi khèn và múa khèn Mông. Thấy ông có đam mê, bố ông đã trực tiếp truyền dạy lại cách làm khèn, thổi khèn và những kỹ năng cần thiết khi thổi khèn, múa khèn. Dần dần lớn lên, ông theo các anh, chị trong làng đi giao lưu tham gia văn nghệ. Trải qua thời gian, ông luôn học hỏi, tích lũy để có được kho kiến thức về văn hóa dân tộc mình, trong đó có những làn điệu khèn và các bài hát của người Mông như: Mừng Đảng, mừng xuân, Hội mùa xuân, Tiễn em đi làm dâu, Mời em lên nương, Hẹn ngày chợ tình, Bông hoa nở trên cành, Lúa vàng trên đồng, Rừng xanh trên núi,... Hiện nay, ông đang nắm giữ và thực hành thành thục tri thức, kỹ năng làm khèn, thổi khèn và múa khèn của dân tộc Mông.

Theo ông Sinh, Khèn mông gồm 2 bộ phận chính là bầu khèn và ống khèn, ngoài ra còn có dây đai và lưỡi gà. Mỗi bộ phận có chức năng khác nhau. Bầu khèn giữ vai trò cộng hưởng âm thanh và cân bằng áp suất giữa các ống khèn. Ống khèn giữ vai trò điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh của chiếc khèn. Công việc chế tác khèn là do nam giới thực hiện. Để làm được một chiếc khèn, nghệ nhân cần chuẩn bị gỗ, ống trúc, dây rừng, một số miếng đồng nhỏ.

Thường bầu khèn được làm bằng gỗ cây Cây Gù Hương, cây Thông mọc trên núi cao. Sau khi mang về phơi khô, dùng dao bổ ra thành hai mảnh, rồi vót thành khuôn cho bầu khèn. Kích thước của bầu khèn được ước lượng bằng mắt, đo bằng gang tay, nắm tay nhưng độ chính xác rất cao. Sau khi đẽo gọt, tạo hình bầu khèn được bào trơn, đạt đến độ đều, nhẵn nhất định. Ống khèn làm từ cây trúc mọc ở vùng núi cao, có thân thẳng, ống dài. Chọn cây trúc 2 hoặc 3 năm tuổi trở lên thân thẳng, đẹp, cắt thành nhiều ống có độ dài khác nhau để lắp vào thân khèn. Trúc làm ống khèn phải phơi đủ độ khô, không được ẩm, cũng không được quá khô, thì tiếng khèn mới hay. Ðặc biệt, sợi dây dùng để quấn quanh thân khèn phải lấy từ vỏ cây đào rừng, bởi đặc tính chắc và bền, vừa có tác dụng giữ thân khèn và tạo điểm nhấn thẩm mỹ. Việc tạo lưỡi gà rất quan trọng, độ trầm bổng, vang ngân của tiếng khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưỡi đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao.

Từ bao đời nay, tiếng khèn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là một phần văn hóa của người Mông. Người Mông nghe tiếng khèn từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi đời. Khèn là loại nhạc cụ dùng trong hầu hết các ngày lễ, hội. Mỗi dịp lại có điệu khèn khác nhau, điệu dùng cho đám cưới, điệu dùng cho đôi lứa giao duyên, rồi có điệu dùng riêng khi tiễn đưa người vừa khuất… Những câu chuyện của cuộc sống, của trời và đất được kể bằng giai điệu của tiếng khèn làm thấm đẫm lòng người. Để trở thành người thổi khèn giỏi, múa khèn đẹp, ông Sinh đã phải luyện tập từ bé, qua nhiều năm liền để có thể lấy hơi dài, luyện khí tốt. Hiện nay, ông có thể vừa thổi khèn đúng nhịp điệu, đúng tiết tấu đồng thời vừa múa khèn mà tiếng khèn vẫn không dứt, trong khi các động tác múa khèn của người Mông rất phong phú và đa dạng như: “Múa nhảy đưa chân”, “quay đổi chỗ”, “quay tại chỗ”, “vờn khèn”, “múa ngồi xổm”…Ông Sinh cho biết: "Học thổi khèn không khó nhưng để thổi thành bài, thành điệu rất khó, đòi hòi người chơi phải kiên trì, tập liên tục và không nản trí. Tâm huyết với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đang dần mai một, nên ông luôn tìm mọi cách để truyền lại nhiệt huyết cho thế hệ trẻ. Hiện nay, để lưu giữ, truyền bá những làn điệu của dân tộc qua tiếng khèn, ông đã và đang dạy cho 8 người học trò để tiếng khèn Mông sẽ không bị mai một".

Ông Sinh đã từng tham gia biểu diễn ở rất nhiều Liên hoan, Ngày hội cấp huyện, cấp tỉnh như: Liên hoan Sơn ca tỉnh Bắc Thái năm 1993; Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Thái Nguyên; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ....và ông đã dành được nhiều giải thưởng cao. Mới đây nhất ông được đề nghị công nhận Nghệ nhân ưu tú năm 2020. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ôngchính là tiếng Khèn Mông vẫn luôn được cất lên trong những dịp Tết đến, xuân về và được chính đồng bào mình ủng hộ. Hy vọng rằng với tâm huyết của ông Sinh và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Cấp ủy chính quyền địa phương tiếng Khèn Mông sẽ được vang mãi, vươn xa./.

Thu Lan (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557335