Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Người thương binh làm kinh tế giỏi

2021-07-27 11:21:00.0

Trở về quê với những vết  thương, với một phần cơ thể đã để lại nơi chiến trường, với những mảnh đạn vẫn còn găm trong người, ngày đêm hành hạ nhưng bằng nghị lực của một người lính cụ Hồ, cựu chiến binh Hoàng Văn Sính, xóm An Thái, xã Hóa Thượng đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, trở thành một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở phương (ảnh).

Theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện Đồng Hỷ, lại được trực tiếp đồng chí Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hóa Thượng đưa đến nhà, ấy thế nhưng khi chúng tôi đề cập xin được viết về ông như một tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, ông Hoàng Văn Sính ngần ngại nói: Nhà bác cũng bình thường như nhiều gia đình hội viên khác thôi, có gì đâu mà viết. Đấy là ông khiêm tốn vậy thôi, chứ nhắc đến tiệm may Hoàng Sính, không một hội viên CCB nào ở Đồng Hỷ, thậm chí là trong tỉnh và nhiều tỉnh lân cận là không biết đến. Thế rồi, bên những người đồng đội của mình, trong câu chuyện ông cũng cởi mở hơn.

Ngược thời gian theo dòng hồi tưởng của ông được biết, tháng 2 năm 1966, theo tiếng gọi của Đảng, chàng trai trẻ Hoàng Văn Sính, khi ấy mới gần 18 tuổi đã tình nguyện nhập ngũ tại Sư đoàn 304. Trải qua 4 tháng huấn luyện, đến tháng 6/1966, chiến sỹ trẻ Hoàng Văn Sính cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và được bổ sung vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Suốt 6 năm dòng anh cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại chiến trường B2 bao gồm các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Đặc biệt, trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, chiến sỹ Hoàng Văn Sính cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường, giành giật với quân địch từng tấc đất trong suốt hơn 30 ngày đêm và đã giải phóng được Bình Long - Một trong những trận đánh then chốt của chiến dịch. Ngay sau trận đánh, ông cùng 5 đồng đội làm nhiệm vụ trinh sát để nắm tình hình. Cũng trong lần đó nhóm sinh sát của ông đã đụng độ với một nhóm tàn quân của địch và bị chúng bắn trực tiếp khiến cho 3 đồng đội của ông hy sinh và ông thì bị thương.

Do vết thương quá nặng, ông phải nằm điều trị 1 năm. Đến năm 1974 ông được đưa ra Bắc với giám định thương tật mất 81% sức khỏe, là thương binh hạng ¼. Với tình trạng mất một chân, hỏng một con mắt và người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin, ông được cấp trên động viên xuất ngũ. Tuy nhiên, không chịu đầu hàng trước số phận, ông xin được ở lại học nghề tại Trường dạy nghề cho thương binh (tiền thân của Công ty TNHH MTV X20 Thái Nguyên), trường chủ yếu dạy nghề cho thương binh và may quân trang phục vụ cho công tác Quốc phòng.

Thời gian đầu vào học, ông gặp vô vàn khó khăn, bởi mất đi một chân nên việc tập đạp bàn ga bằng một chân phải mất thời gian dài mới thành thạo. Với sự chỉ bảo, giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô tại trường dạy nghề, sau 1 năm, ông đã chính thức làm việc tại đây và được trả tiền công theo sản phẩm. Trong suốt quá trình làm việc ông luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn trở ngại và làm tốt công việc được giao. Thậm chí, năng suất lao động của ông còn cao gấp đôi những người khác. Nhắc đến đây, bà Ngô Thị Bình, vợ ông Hoàng Văn Sính nhớ lại: Thời điểm đó, cùng trong một tiếng đồng hồ, những người khác may được 50 chiếc cạp quần thì ông Sính may được 100 chiếc. Ông đã từng đi thi tay nghề toàn quân và được giải nhì.

Ngày đó, hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn, sẵn có tay nghề, lại là người nhạy bén với thời cuộc, ông đã mở một tiệm may nhỏ tại nhà với sản phẩm lúc đó chủ yếu là quân phục. Ông đã tranh thủ tất cả thời gian rảnh rỗi để làm để thêm đồng thu nhập cho gia đình. Ông cho biết: Lúc đó tôi phải tự đặt ra chỉ tiêu cho mình. Đó là mỗi buổi trưa, sau khi tan ca tại xưởng về nhà, trong vòng 1 tiếng là tôi phải cắt, may xong một chiếc quần, buổi tối nhất thiết phải may được 1 bộ quần áo rồi mới đi nghỉ.

Do sản phẩm may đẹp lại không bao giờ thất hẹn với khách hàng, tiếng lành đồn xa, tiệm may của ông ngày càng đông khách và ngoài sản phẩm là những bộ quân phục, ông may thêm quần áo dân sự để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Hàng của ông không chỉ bán trong tỉnh mà ông còn giao hàng đi khắp các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Phú Thọ… Việc nhiều, một mình không làm xuể, ông phải thuê thêm thợ may gia công cho mình. Ông ưu tiên tuyển những người là hội viên trong hội cựu chiến binh hoặc con em của họ hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn giúp họ có một việc làm ổn định và thêm thu nhập. Trường hợp ông Trần Đức Hòa, hội viên Hội CCB xã Hóa Thượng là một ví dụ điển hình. Năm nay đã 68 tuổi, lại là thương binh mất 41% sức khỏe nhưng ông Hòa vẫn tham gia làm việc được tại tiệm may của ông Sính bởi ở đây có công việc rất phù hợp với sức khỏe của ông, ông Hòa cho hay:Trước đây hai anh em cùng làm trong xí nghiệp may, đến khi nghỉ hưu tôi lại về đây làm cùng anh Sính. Công việc của tôi là chuyên cắt, giờ cắt bằng máy hết nên việc cũng nhẹ nhàng, phù hợp sức khỏe của tôi. Được làm việc tôi như khỏe chân, khỏe tay hơn, có thêm niềm vui lại còn thêm thu nhập nữa. Hiện nay, mỗi tháng tôi thu nhập thêm khoảng 6-7 triệu từ công việc làm may này.

Có những thời kỳ cao điểm, tiệm may của ông Sính có từ 20-30 người thợ gia công. Người có mức lương thấp nhất cũng từ 4-5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, có những thợ chuyên may những sản phẩm cao cấp có tháng thu nhập đến 20 triệu đồng. Ông Bùi Viết Từng, hội viên Hội CCB xã Hóa Thượng nhận xét về người đồng chí của mình: Anh Sính đã thực hiện đúng theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Anh ấy đã tự vươn lên, đặc biệt là trong phát triển kinh tế. Anh Sính là một đồng chí thương binh, nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế mẫu mực mà chúng tôi cần phải học tập. Ngoài phát triển kinh tế gia đình ra anh ấy còn tạo điều kiện cho nhiều người may gia công giúp anh ấy, có tấm lòng vì đồng đội, tạo điều kiện cho nhiều người có công ăn việc làm, có thêm thu nhập.

Điều này càng thể hiện rõ trong thời điểm hiện nay, khi mà tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các mối hàng lớn và thường xuyên ở các tỉnh đang phải thực hiện giãn cách xã hội hầu như đang phải tạm ngừng nhập hàng. Điều này, ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như thu nhập của những người thợ may gia công cho tiệm may của ông. Lại một lần nữa, phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn vượt lên khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để lo đủ công việc cho khoảng 6, 7 người thợ may, hầu hết họ đều có hoàn cảnh khó khăn. Nói về mô  hình phát triển kinh tế của ông Hoàng Văn Sính, đồng chí Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hóa Thượng cho biết: Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Hoàng Văn Sính là một trong những mô hình điển hình phát triển kinh tế, giảm nghèo được Hội cơ sở đánh giá cao, với mô hình như vậy tới đây Hội nhân rộng làm gương cho các hội viên khác để phát triển kinh tế gia đình đem lại hiệu quả và nguồn thu nhập bền vững hơn. Ngoài gia đồng chí Sính là một trong những hội viên rất tích cực giúp đỡ đồng chí đồng đội, gia đình các hội viên, tích cực đóng góp, ủng hộ các phòng trào địa phương.

Là một thương binh giàu nghị lực, gần 50 năm vượt lên thương tật với quyết tâm xóa đói, giảm nghèo, ở tuổi 73, người thương binh ấy đã thỏa nguyện với cuộc sống hiện tại. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Nguyễn Thơm (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557301