Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành nổi bật của UBND tỉnh tuần qua

2020-09-21 10:21:00.0

 

*Ngày 15/9, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2020.

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung sau: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại các văn bản chỉ đạo, điều hành. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên; thực hiện các kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.

Về công tác thu ngân sách: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020. Thực hiện cải cách hành chính, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư, các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.

Về quản lý điều hành chi ngân sách: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, đối với nguồn vốn đầu tư công, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đối với nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các khoản bổ sung có mục tiêu đã được giao dự toán cho cơ quan, đơn vị, địa phương: Thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân thanh quyết toán. Đối với nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, các khoản bổ sung có mục tiêu đã được giao dự toán cho cơ quan, đơn vị, địa phương: Thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân thanh quyết toán.

Các sở, ngành thuộc tỉnh: Triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 2764/UBND-KT ngày 06/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên 6 tháng cuối năm 2020. Trong phạm vi dự toán được giao (sau khi giữ lại phần kinh phí tiết kiệm thêm theo quy định), các cơ quan đơn vị thực hiện sắp xếp, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm. Không đề xuất các nhiệm vụ chi chưa thực hiện cấp thiết. Đối với các nhiệm vụ chi đã giao dự toán nhưng không tổ chức thực hiện do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện thu hồi về ngân sách để giảm bớt khó khăn trong cân đối ngân sách năm 2020.

*Ngày 18/9, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

UBND tỉnh yêu cầu: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 17/6/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 14/8/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”. Chỉ đạo tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai. Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình thiên tai và thiệt hại, công tác chỉ đạo ứng phó cũng như nhu cầu nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tổng hợp, đề xuất khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai, nhất là các vị trí đê điều, hồ đập trọng điểm xung yếu, khu vực sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó tình huống mưa, lũ lớn. Phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn; chủ động dự phòng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp,… để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và kịp thời khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Các sở, ban, ngành khác chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

*Ngày 17/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3607/UBND-KGVX về tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau: Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm một số nội dung sau: Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từng đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch. Tăng cường kiểm tra, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị các kịch bản, ứng phó các tình huống xảy ra của dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chuẩn bị tốt các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, các hoạt động đối ngoại, thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn.

Việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phải bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Nghiêm cấm việc áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương. Không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV-2 đối với người đến từ địa phương đã hết dịch trong cộng đồng; chỉ xét nghiệm đối với người có biểu hiện ho, sốt.

*Ngày 17/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3612/UBND-CNN về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020.

UBND tỉnh có ý kiến như sau:

Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tuỳ điều kiện, đặc thù của cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020 như sau: Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa tại đơn vị theo Bản cam kết hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa đã ký; treo băng rôn, pano, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp nhằm tuyên truyền chủ đề về Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2020. Tổ chức các hoạt động như ra quân vệ sinh môi trường; thu gom xử lý chất thải, rác thải; giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước. Tổ chức phát động hưởng ứng các phong trào như Ngày hội tái chế, Ngày hội sống xanh, Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon… Căn cứ vào tình hình thực tế, tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm (khuyến khích trực tuyến) về công tác bảo vệ môi trường. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2020; Cung cấp các tài liệu truyền thông liên quan chủ đề Chiến dịch đến các cơ quan tổ chức thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hưởng ứng Chiến dịch. Các cơ quan truyền thông đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ môi trường, các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch năm 2020.

*Ngày 17/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3606/UBND-CNN về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm.

UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh, các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các nội dung sau:

UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường giám sát chủ động dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, cảnh báo, xử lý các trường hợp vật nuôi bị bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm, bệnh thuộc diện phải công bố dịch, đề ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2020 đạt hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào địa bàn. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất đối với chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Nghiêm túc triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau tiêm phòng đợt 2/2020 trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản. Thời gian từ 20/9/2020 đến 20/10/2020.

Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vận chuyển vào địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ, tụ điểm có buôn bán gia súc, gia cầm sống.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện kiểm tra, đôn đốc thú y cơ sở tăng cường giám sát, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh tại các tỉnh giáp ranh để có thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch.

Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý các trường hợp có tiếp xúc với động vật ốm, chết để triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng, chống dịch.

Thanh Mai (biên tập)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557301