Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phát huy vai trò gia đình trong đời sống xã hội

2020-09-30 07:55:00.0

Trong bất kỳ thời kỳ nào của lịch sử, gia đình luôn là chiếc nôi để hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi con người. Gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay càng có vai trò quan trọng, từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác gia đình luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đồng Hỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao

Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị 49/2005, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến các phòng, ban, ngành, đơn vị và UBND các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, các đơn vị tích cực tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi; xoá đói, giảm nghèo; ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học…

Trong 15 năm qua, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn huyện đã nhiều kết quả thiết thực. Đời sống vật chất, tinh thần của từng gia đình được cải thiện và nâng cao. Người dân ngày càng được thụ hưởng nhiều hơn các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao, từng bước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng, việc đăng ký thực hiện tiêu chuẩn gia đình văn hóa trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của hầu hết các hộ gia đình trên địa bàn. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa tăng cả về số lượng và chất lượng, bình quân mỗi năm tăng 1,9%. Năm 2000, toàn huyện có 13.085/24500 hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa bằng 53,4%, đến năm 2019, toàn huyện có 21.029/23.602 hộ gia đình đạt gia đình văn hóa bằng 89,1%. Việc biểu dương, tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình thường xuyên được tổ chức…

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Chỉ tịch UBND huyện thăm, tặng quà gia đình văn hóa tiêu biểu 

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình cũng được quan tâm bằng việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình cho các thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình huyện, xã, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Đến nay, huyện đã thành lập và đi vào hoạt động 15/15 Ban Chỉ đạo công tác gia đình cơ sở, 25 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 59 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 93 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 15/15 cơ sở tư vấn, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tại y tế xã, thị trấn. Qua đó, kịp thời nắm bắt được các vụ việc bạo lực gia đình tại địa phương, có biện pháp khắc phục nhằm giảm thiểu số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Đồng thời, duy trì hoạt động 175 tổ hoà giải ở cơ sở với 1.191 hòa giải viên hoạt động hiệu quả, đã  hướng dẫn hòa giải 752 vụ ở cơ sở. Trong đó hòa giải thành là 467 vụ chuyển các cơ quan có thẩm quyền là 281 vụ đang hòa giải 9 vụ, 04 vụ mới tiếp nhận chủ yếu là tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, đạt 85%, góp phần tích cực làm giảm các vụ việc chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trên cơ sở quán triệt và nhận thức sâu sắc về công tác xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Cấp huyện và xã, thị trấn đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch với những nội dung sát thực phù hợp với tình hình thực tế ở từng cơ sở nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về công tác xây dựng gia đình; chủ động kiểm soát và giải quyết các nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn gia đình, ly hôn, ly thân, xâm hại tình dục trẻ em, bất bình đẳng giới trong gia đình; xử lý nghiêm các hành vi bạo lực gia đình, lựa chọn giới tính thai nhi, từng bước hoàn thiện chế độ chăm sóc người cao tuổi,…Từ đó, nhân dân đã thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách pháp luật liên quan đến gia đình, kết hôn đúng độ tuổi, tổ chức đám cưới, đám tang được thực hiện văn minh, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình hiện nay vẫn còn hạn chế với nhiều thách thức như việc giáo dục đạo đức trong từng gia đình còn xem nhẹ, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên chưa cao; trình độ dân trí không đồng đều, tập quán vùng miền ảnh hưởng đến nhận thức của mỗi con người, mỗi gia đình, dòng tộc về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Do vậy mà vẫn còn sảy ra tình trạng bạo lực gia đình, quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn diễn ra, một số nam, nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, rễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội; tình trạng ly hôn, tỷ lệ sinh con thứ 3 có xu hướng gia tăng; tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) cao hơn mức cho phép; Sự phân hóa giàu, nghèo trong xã hội và sự xâm nhập văn hóa không lành mạnh, các tệ nạn xã hội chưa ngăn chặn hiệu quả, đã làm không ít gia đình tan vỡ, tạo điều kiện cho bạo lực gia đình xảy ra…

Trong thời gian tới, huyện Đồng Hỷ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tiếp tục duy trì hoạt động mô hình can thiệp phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện; hình thành các nhóm trợ giúp nạn nhân bị bạo lực, kiên quyết đấu tranh xử lý các hành vi bạo lực gia đình, giảm số vụ bạo lực gia đình ở mức thấp nhất. Gắn thực hiện “xây dựng gia đình hạnh phúc” với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở khu dân cư. Phấn đấu hàng năm trung bình giảm từ 10-15% số vụ bạo lực gia đình; phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi./.

Thu Lan (Trung tân Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557301