Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Đồng Hỷ: Điểm hẹn mùa Xuân

2024-02-09 23:29:00.0

Mùa xuân đang “gõ cửa” mang đến niềm tin, hy vọng về một năm an lành, sung túc. Đây cũng là dịp mọi người nghỉ ngơi, thư giãn sau chặng đường mưu sinh đầy lo âu, vất vả. Xuân về, khắp mọi miền của Tổ quốc, các loài hoa đua nhau khoe sắc, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và không khí trong lành. Những ngày đầu năm mới, khi bước chân ra khỏi cánh cổng, hương sắc xuân ắt hẳn sẽ dẫn dắt bạn đến những địa điểm gần gũi, ấm áp và tràn ngập năng lượng tích cực. Mùa xuân này, hãy cùng điểm qua những điểm du xuân hấp dẫn du khách gần xa ở huyện miền núi Đồng Hỷ.

Lễ hội Đền Hích, xã Hòa Bình được tổ chức vào tháng giêng hàng năm

Vào dịp đầu Xuân, những điểm đến tâm linh luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiếm bái, hòa mình vào không khí linh thiêng, cổ kính và tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh, Thành Hoàng làng; đồng thời ước nguyện năm mới mạnh khỏe, bình an, nhà nhà ấm no, hạnh phúc. Không chỉ nổi tiếng là 1 trong tứ đại danh trà của tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ còn được biết đến là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa lịch sử với nhiều lễ hội truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, những di tích vẫn giữ nguyên những giá trị lịch sử, văn hóa, là nơi kết tinh nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.

Lễ hội Đền Long Giàn, xã Khe Mo

Dừng chân ghé thăm Đền Long Giàn, xã Khe Mo để thấy hết được khí thiêng sông, núi ngàn năm, để nghi nhớ công ơn, tài đức của 2 vị nữ anh  hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã có công lớn trong việc giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước khỏi ách cai trị của phong kiến phương Bắc và sau này là nơi ghi dấu hoạt động liên lạc của cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dừng chân thăm Đền trên chặng đường kháng chiến chống Thực dân Pháp.

Bên dòng sông Cầu thơ mộng, hiền hòa là Đền Hích thờ nữ thần sông nước có tên Bạch Ngọc Thủy Tinh Công Chúa. Hiện nay đền là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Xa xa là di tích Đình Bảo Nang, xã Tân Lợi, nơi thờ vị tướng Dương Tự Minh, một anh hùng dân tộc dưới thời nhà Lý đã có công đánh đuổi giặc Tống, bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Đại Việt và là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của địa phương.

Ngoài ra còn có Đình Vân Hán, Đình Thịnh Đức, xã Văn Hán; Đình Hoá Thượng, thị trấn Hoá Thượng; di tích lịch sử Đình Minh Lý,  xã Minh Lập, Đình Khe Mo, xã Khe Mo... đều là những nơi gắn liền với những sự kiện lịch sử, nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Đền Đá Thiên đang được đầu tư xây dựng

Nói đến du lịch văn hóa tâm linh thì một trong những điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Đồng Hỷ đó là Đền Đá Thiên. Yếu tố thu hút khách du lịch thập phương đến đền Đá Thiên chính là niềm tin tín ngưỡng, đây là nơi đặt linh cốt Quan Hoàng Bẩy- một trong 10 vị Quan trong Tứ phủ Quan Hoàng được nhân dân tôn kính thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Hiện nay, sau rất nhiều tâm huyết, nỗ lực của chủ đầu tư cùng sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, Dự án Khu du lịch sinh thái - văn hoá Đá Thiên tại thị trấn Trại Cau, Đồng Hỷ được kỳ vọng sẽ tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Đồng Hỷ, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, từ đó góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân

Cùng với du lịch tâm linh, du khách đến với Đồng Hỷ còn được trải nghiệm du lịch các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái cộng đồng và thưởng thức những sản vật riêng có của miền quê Đồng Hỷ mến khách.

Đồi chè xã Văn Hán

Tự hào là một trong những cái nôi đầu tiên của ngành chè Việt Nam, huyện Đồng Hỷ có 44 làng nghề chè đã được công nhận, nhiều sản phẩm trà của các làng nghề chè Đồng Hỷ đã có mặt rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự phát triển của làng nghề chè trong những năm qua đã góp phần hình thành các vùng làng nghề chè đặc sản nổi tiếng như: Trại Cài - Minh Lập, Văn Hán, Sông Cầu, Khe Mo… tạo tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề. Những đồi chè thật giản dị, nhưng đầy sức hút, chạy dài nối tiếp nhau, hệt như những chiếc bát khổng lồ úp ngược. Điểm xuyết trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy là hình ảnh của những cô gái trên lưng đang đeo những chiếc sọt đầy ắp những búp chè non, thấp thoáng, đẹp đến nao lòng. Họ mải miết với công việc hái chè, những ngón tay thoăn thoát như múa. Họ chia sẻ với du khách cách thức vò chè, bí quyết sao chè, lấy hương chè mang đến một hương vị chè đặc trưng riêng có của mảnh đất này. Màu xanh mướt của những đồi chè cùng hương thơm dịu nhẹ tỏa ra từ những búp chè xanh non vừa chớm sẽ mang đến cho du khách cảm giác thư thái lạ kỳ

Đồng Hỷ còn nổi tiếng với các sản phẩm nông sản đã được chứng nhận OCOP mang đặc trưng riêng của vùng đất này. Trong đó không thể không kể tới sản phẩm miến dong Việt Cường của HTX Miến Việt Cường, xã Hóa Thượng. Với chất lượng, màu sắc, hương thơm đặc trưng, miến Việt Cường ngày càng trở thành một sản phẩm hàng hóa được đông đảo thực khách ưa chuộng. Nếu được dịp lên Thái Nguyên thì bạn hãy ghé vào làng miến để có dịp tham quan và chiêm ngưỡng, trải nghiệm nghề làm miến ở Việt Cường và cùng nhau thưởng thức những món ăn được làm từ miến với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, độ thơm ngon của mùi tinh bột dong riềng, dai ngọt bởi công thức chế biến đặc biệt của người sản xuất miến.

Đến Đồng Hỷ, du khách còn có dịp được thưởng thức mật ong Phúc Thành với vị béo bùi, ngọt mát quyện lẫn cái thơm ngậy đặc trưng của miền sơn cước và có màu sắc độc đáo tùy theo từng vụ trong năm;

Ấn tượng với hương vị rất đặc trưng và hấp dẫn của Nem thính dân tộc Sán Dìu - loại nem truyền thống của bà con dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Hoà, được chế biến bằng bí quyết riêng khiến ai đã ăn một lần đều không thể nào quên. Hương thơm của thính gạo hòa quyện với vị bùi, ngậy từ thịt lợn tươi và vị thơm của lá ổi, vị cay của tỏi, ớt, hạt tiêu khiến sản phẩm có sự khác biệt không giống với bất kỳ loại nem nào khác trên thị trường hiện nay.

Tạm biệt những thanh âm bộn bề của cuộc sống, người ta hay tìm về những khoảng khắc của sự bình yên và tĩnh lặng. Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động, thác nước đẹp, cùng với bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Mông vẫn đang được bảo tồn và phát huy, quần thể hang Chùa, suối Tiên, Bản Tèn, xã Văn Lăng là thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của huyện Đồng Hỷ. Từ đây có thể kết nối đến Đền Hích, làng nhà sàn Tân Đô (xã Hoà Bình) và Khu Di chỉ khảo cổ học Thần Sa, xã Thần Sa (Võ Nhai).

Hang Chùa có chiều dài gần 1km và chiều rộng nhất trên 100m, trong hang vẫn còn chứa nhiều cột đá cao, phiến đá bằng phẳng, cùng hệ thống nhũ đá với nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau đã làm nên vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo và thơ mộng.

Suối Tiên - Nơi có dòng suối tự nhiên chảy dài hàng cây số, đỉnh dòng chảy có hang động và thác nước rất đẹp.

Suối Tiên, xã Văn Lăng có thác nước rất đẹp

Bản Tèn – Với 100% đồng bào Mông sinh sống, hiện còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Xung quanh Bản Tèn là rừng tự nhiên, những dãy núi đá hùng vĩ bao bọc. Cuộc sống của người dân nơi đây rất đỗi yên bình, con người sinh sống chan hoà với tự nhiên, mọi ồn ào, náo nhiệt chốn phố thị cũng nhanh chóng lùi xa. Không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp, du khách còn được thưởng thức hương vị của các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở Bản Tèn như mèn mén, thắng cố… Bản Tèn hội tụ đầy đủ các yếu tố về địa lý, cảnh quan, văn hóa để trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa.

Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, huyện Đồng Hỷ còn được biết đến với nhiều di sản văn hóa đã được công nhận xếp hạng cùng với nhiều lễ hội truyền thống và nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc. Điển hình là Nghi lễ Hét Khoăn của người Nùng; Hát Soọng Cô của người Sán Dìu; Nghệ thuật Khèn của người Mông; Nghi lễ cấp sắc của người Nùng.

Làng nhà sàn Tân Đô, xã Hòa Bình

Trải nghiệm du lịch cộng đồng tại “bản Nhà sàn” của người Nùng ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình cũng sẽ là trải nghiệm thú vị đối với du khách. Đường dẫn vào bản đi qua những vườn chè xanh mướt mải và cánh đồng ngô bạt ngàn. Xa xa, những nếp nhà sàn lấp ló giữa những màu xanh cây cối bình yên đến lạ. Các ngôi nhà sàn có cột được làm bằng gỗ lim nên dù gần nửa thế kỷ trôi qua vẫn vững chãi, không mối mọt. Vẻ đẹp nguyên sơ và dáng dấp cổ kính, nhuốm màu huyền thoại đã tạo nên một không gian rất riêng cho Tân Đô. Từ lâu, đây là nơi sinh sống của người Nùng với phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt thuần chất bản địa, người dân thân thiện, giàu lòng mến khách. Trong màn mưa bụi của mùa  xuân, những sắc màu thiên nhiên, cây cỏ bừng sáng và những tiếng reo hò, cổ vũ từ hội làng…, tất thảy tạo nên sắc màu tươi đẹp cuộc sống hôm nay của Tân Đô

Về Đồng Hỷ hôm nay, đi trên con đường quê phẳng lỳ bê tông mới, giữa mơn mởn màu xanh những nương chè, những đồng rau, giữa những bạt ngàn núi rừng…  Khung cảnh làng quê tuyệt đẹp và bình dị. Đồng Hỷ như có một nét duyên ngầm, hương vị ngọt ngào của những đặc sản hòa lẫn cùng tình người, tình đất, tình quê tạo nên một sức hấp dẫn đối với mỗi con người…/.

Lê Nguyệt, Hoàng Lưu (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3558068