Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Thái Nguyên từ ngày 22 đến ngày 28/1/2024

2024-01-28 20:42:00.0

* Ngày 26/01/2024, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người dân và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nhất là người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo, hướng dẫn Nhân dân biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét, bảo đảm an toàn cho người, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo theo dõi sát diễn biến thời tiết, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng; xây dựng và hướng dẫn kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết. Sở Y tế phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi ấm trong phòng kín; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám chữa bệnh cho người dân nhất là trong dịp tết Nguyên đán.

* Ngày 26/01/2024, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tại văn bản trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2024. Với phương châm "Triển khai tốt, giải ngân nhanh, điều hành linh hoạt", thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc.

Phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó đến hết quý III năm 2024 đạt trên 60%; đến hết quý IV năm 2024 đạt trên 90% (riêng kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 đạt 100%) và đến hết ngày 31/01/2025 giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

* Ngày 22/01/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 340/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 của Bộ Tài chính; theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị và lạm phát thế giới và trong nước để tham mưu giải pháp ứng phó phù hợp; tiếp tục, tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, điều hành giá, bám sát diễn biến giá cả thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để thực hiện quản lý, điều hành và tham mưu biện pháp bình ổn giá cả thị trường phù hợp, nhất là trong các thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn. Sở Công Thương thường xuyên theo dõi sát tình hình cung, cầu hàng hóa thị trường; tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát các đơn vị đầu mối cung ứng hàng hóa xây dựng phương án chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất các giải pháp xử lý các biến động bất thường của thị trường; phối hợp với các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển thị trường, bình ổn cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa.

Cục Quản lý thị trường (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, nhất là các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán...

* Ngày 25/01/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 391/UBND-CNNXD về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước do tác động của hiện tượng El Nino, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2023 - 2024, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: UBND các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; rà soát kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 - 2024 để phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, hạn hán, thiếu nước bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và  dân  sinh; trong đó, cần xác định nguy cơ ảnh hưởng đến từng vùng, từng khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2023 - 2024. Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước. Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; rà soát khả năng cung cấp nguồn nước tới từng hộ, thôn, xã, huyện ở các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch lấy nước vùng hạ du các hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp trong cả mùa khô năm 2024; trong đó, thống nhất cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng vận hành linh hoạt, tiết kiệm nước, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi, đủ nước cung cấp cho cây trồng, thực hiện thời vụ sản xuất tập trung để không kéo dài thời gian lấy nước.

* Ngày 23/01/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 356/UBND-CNNXD về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định năm 2024 và các năm tiếp theo.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp, xử lý khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư các dự án lưới điện tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật để sớm đưa công trình vào vận hành; đôn đốc chủ đầu tư các dự án điện trên địa bàn tỉnh khẩn trương thực hiện dự án điện theo tiến độ đã được phê duyệt. Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, đoàn thể, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, UBND các huyện, thành phố, Công ty Điện lực Thái Nguyên, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nghiêm túc, chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện theo nhiệm vụ được giao.

Công ty Điện lực Thái Nguyên xây dựng cụ thể Kế hoạch đảm bảo cung cấp điện năm 2024 trên địa bàn tỉnh; ưu tiên cung ứng điện an toàn, ổn định liên tục cho các khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2024 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực để kịp thời sửa chữa, khắc phục nhanh các sự cố gây gián đoạn cung cấp điện (nếu có); làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai  để lưới điện phân phối hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng cao nhất việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong năm 2024 và các năm tiếp theo; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện để giảm nhu cầu phụ tải điện vào giờ cao điểm của hệ thống điện.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch đảm bảo cung cấp điện năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị phát điện: Công ty cổ phần Nhiệt điện An Khánh, Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV, Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Núi Cốc rà soát, bố trí kế hoạch hợp lý và rút ngắn thời gian thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tổ máy phát điện, đảm bảo hệ số sẵn sàng và độ khả dụng của các nhà máy điện.

Kim Oanh (tổng hợp)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3557982